Xuất hiện tại triển lãm “République D’Art – “Vùng nhiệt đới gió mùa” lần này, NTK Nguyễn Hoàng Ngân, nhạc sĩ Huy Tuấn và diễn viên Hồng Ánh mang đến 7 bức tranh nổi bật từ các danh họa và họa sĩ Việt Nam thời danh. LUXUO vừa có cuộc trò chuyện thân mật với họ để hiểu hơn về hành trình chơi tranh cũng như gu thẩm mỹ cá nhân.
Jul 23, 2020 | Bài gốc By Trang Ps trên https://luxuo.vn
Nguyễn Hoàng Ngân: “Điều tôi chú ý trước nhất trong tác phẩm hội họa là màu sắc”
Hơn 20 năm làm thời trang sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, NTK Nguyễn Hoàng Ngân vẫn kiên trì vẽ và ký họa cạnh bên các phác thảo thiết kế. Cô cũng từng có triển lãm tranh đầu tiên tại Đức Minh Gallery vào năm 2017.
Chào chị Hoàng Ngân! Chị có thể chia sẻ về cơ duyên khiến chị đến với sưu tầm nghệ thuật?
Có lẽ, việc sở hữu tác phẩm của tôi xuất phát từ tình yêu nghệ thuật. Nhưng cũng cần đính chính lại chút, tôi chắc chưa đạt tới vị trí “nhà sưu tập”. Tôi có sở hữu một số tranh và tác phẩm nghệ thuật chủ yếu vì thích thú. Tuy nhiên, là một nhà thiết kế kiêm họa sĩ, tôi đặc biệt quan tâm và nghiên cứu về hoạt động sưu tầm nghệ thuật
Những tác phẩm đầu tiên thể hiện gu thẩm mỹ của Hoàng Ngân ra sao?
Sống động và đa diện: một vài bức mang đậm dấu ấn thời trang, có bức đen trắng hoặc đơn sắc, có bức lại tươi tắn và rực rỡ… Có lẽ, điều khiến tôi chú ý trước nhất trong một tác phẩm hội họa là màu sắc.
Chị quan niệm ra sao về sưu tầm nghệ thuật?
Đây là một trong những con đường tuyệt vời nhất để bạn đầu tư vào thứ mà mình đam mê. Sưu tầm cũng làm phong phú thế giới tâm hồn của bạn. Trái đất sẽ trở nên tốt đẹp hơn và con người cũng trở nên nhân văn hơn khi yêu nghệ thuật.
Đâu là nghệ sĩ mà chị yêu thích?
Tôi yêu thích khá nhiều: các tác phẩm của Andy Warhol, nét ngây thơ sống động của Marc Chagal và Henri Matisse, sự tài hoa của Salvador Dali hay Picasso, vẻ rực rỡ huy hoàng trong tranh của Gustav Klimt, và cả tranh của một số họa sĩ Trung Quốc đương đại.
Chị hình dung một bộ sưu tập của mình trong 5 năm nữa sẽ như thế nào?
Thật sự, tôi đang mua sắm nghệ thuật theo cảm tính vì tôi chưa có ý định trở thành nhà sưu tầm chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng cân nhắc nếu có thời gian tôi sẽ tham gia một số khóa học ngắn hạn về việc sưu tầm nghệ thuật như “The art of collecting” của Sotheby’s Institute of Art hay “Collecting Contemporary Art” của Central Saint Martin để có thêm kiến thức về thế giới nghệ thuật bao la này.
Chị nhận xét như thế nào về thị trường sưu tầm nghệ thuật ở Việt Nam, đặc biệt ở thế hệ millennials như chị?
Thị trường sưu tầm nghệ thuật ở Việt Nam tuy chưa sôi động, nhưng cũng hình thành nên vài thế hệ sưu tầm. Các nhà sưu tập thế hệ của tôi bắt đầu sưu tập một cách có hệ thống, có sự tính toán, khác với việc sưu tầm theo cảm tính như các nhà sưu tập thế hệ trước. Bên cạnh việc quan tâm tới các các tác phẩm của các họa sĩ đã có tên tuổi hoặc các họa sĩ Đông Dương, họ cũng nghiên cứu sưu tầm tranh của các họa sĩ đương đại, và phần lớn vẫn ở thị trường trong nước.